Nhiều anh em vẫn thắc mắc sau khi đọc bài viết lý giải tại sao giếng cạn nước rằng tại sao giếng nhà tôi thế này, thế kia mà vẫn không có nước, để hút nước từ nơi này đến nơi kia nó phụ thuộc vào một vài yếu tố sau đây, anh em kiểm tra đủ thì sẽ tìm ra cách để trị bệnh cho cái giếng nhà mình.
Link bài kia đây: https://diencobacninh.com/2021/11/22/gieng-khoan-bi-tut-nuoc-nguyen-nhan-do-dau-va-lam-sao-de-khac-phuc-duoc-triet-de/
Để bơm được nước từ nơi này đến nơi khác thì chúng ta sẽ phân tích các yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan như là giếng hết nước thật hay do lý do nào đó khiến máy bơm của bạn không thể hút được nước lên.

Các yếu tố khách quan dẫn đến mất nước
Yếu tố khách quan có thể kể đến như là giếng mất nước do:
- Tình hình khô hạn kéo dài khiến mạch nước ngầm sụt giảm.
- Quá nhiều nhà cùng hút nước từ 1 mạch nước ngầm trong cùng 1 thời điểm.
- Hoặc nơi bạn ở cao hơn nhiều so với mực nước biển thì cũng khó có thể lấy được nước lên từ giếng nếu chỉ sử dụng máy bơm thông thường.
Nếu gặp các trường hợp này thì chỉ cần chờ có mưa xuống nếu gặp khô hạn hoặc bạn ở trên núi thì có thể tìm nước suối còn nếu có quá nhiều người cùng hút nước tại 1 thời điểm thì có thể hút nước vào khung giờ khác kiểu như sáng sớm hoặc đêm muộn chẳng hạn.

Các yếu tố chủ quan dẫn đến mất nước
Có rất nhiều yếu tố chủ quan dẫn đến mất nước, ở đây mình sẽ liệt kê một vài yếu tố mình biết có thể nó sẽ không đủ nhưng cũng nên thử chứ, biết đâu nước sẽ về bản sau một vài thao tác thì sao nhỉ?
Các nguyên nhân mình sẽ chia làm 3 phần nhỏ cho anh em dễ theo dõi nhé:
- Do giếng có thể là vỡ, nứt đường ống nếu nơi ở hay có động đất.
- Do máy nếu đường hút nước không được kín.
- Hoặc do đường ống tắc, cong, gấp khúc nhiều…
Nguyên nhân do giếng
Thành giếng tức là đường ống bên ngoài nơi tiếp xúc thẳng với đất có thể bị nứt gãy do tác động ngoại lực của các mảng kiến tạo hoạt động hay hiểu đơn giản như động đất, các mảng này vẫn luôn hoạt động và di chuyển nếu nó di chuyển ít thì bạn không cảm nhận được rung chuyển và cũng mất rất nhiều thời gian cái giếng của bạn mới bị sập (cỡ vài trăm năm) hoặc nếu khu vực xảy ra động đất thường xuyên thì bạn nên nghiên cứu sử dụng nước sạch hoặc chuyển đến nơi khác như Việt Nam chẳng hạn :))
Nguyên nhân do máy bơm
Trường hợp máy bơm nhà bạn có những vệt nước vàng bám ở bề mặt có thể là do lắp đường ống chưa kín hoặc ống bị nứt gãy do tác động ngoại lực như phơi nắng phơi mưa nhiều thì ống sẽ bị giòn…
Nếu có vệt nước ở trục bơm thì chắc chắn là hở phớt --> đem ngay ra thợ thay phớt với giá 40k nếu là máy dưới 1kW.
Vệt nước có thể không xuất hiện thì anh em xem lại chỗ nối jack co nhé! Có thể vặn sai ren hoặc tháo ra lắp vào làm mất roăng… Trường hợp tháo máy đem đi sửa hay bị rơi mất roăng lắm đấy!
Cũng có thể do máy bơm của anh em công suất nhỏ và khả năng hút kém thì có thể cân nhắc đổi máy bơm với các plan như sau:
- Bơm chân không: Hút sâu tốt, chạy rất êm có thể sử dụng trong nhà được nhưng đẩy cao khá kém.
- Bơm con lợn: Đây là dòng hút sâu tốt, đẩy cũng khỏe nhưng mà khá ồn ào nên nếu giếng trong nhà thì không nên sử dụng nếu không muốn nửa đêm mất ngủ vì máy bơm.
- Bơm đĩa hay còn gọi là bơm cánh phẳng: loại này đẩy rất khỏe nhưng hút rất kém đặc biệt chạy rất êm nữa.
Anh em có thể kết hợp 2 máy nếu sử dụng trong nhà như sau: bơm chân không để hút giếng lên bể ngầm rồi để bơm đĩa hút nước từ bể ngầm lên téc nước sẽ rất ngon. Đặc biệt máy để trong nhà bao giờ cũng bền hơn do không chịu tác động từ thời tiết nắng mưa các thứ.

Nguyên nhân do đường ống
Đường ống thì cũng chia làm 2 phần là đường ống dưới giếng và đường ống trên giếng.
Dưới giếng thì anh em có thể trực tiếp rút ống lên để kiểm tra xem ống có bị nứt gãy chỗ nào không, nếu có thì thay luôn.
Kiểm tra xem chõ còn giữ được nước không? Nếu roăng chõ hở thì thay chõ luôn.
Nếu có sử dụng củ hút sâu thì cần gọi thợ vào kiểm tra và nếu giếng nhà bạn đã lắp chõ hồi thì cũng nên gọi thợ vào kiểm tra để đỡ mất thời gian nhé!
Kiếm tra đường ống trên bề mặt xem có bị sun vì nước nóng không, nếu bơm chạy mà không lên nước một thời gian thì máy sẽ nóng lên và nước trong máy cũng nóng theo, điều này có thể làm ống của bạn bị chảy nếu đó không phải ống chịu nhiệt.
Đường ống có thể bị tắc do con gì đó chui vào, nếu đã làm đủ mọi cách mà vẫn không có nước thì hãy thử thông ống với khả năng này nhé!
Hạn chế các chỗ gấp khúc trong đường ống để máy bơm có thể đẩy nước lên dễ dàng nhé!

Hi vọng qua bài này thì anh em sẽ nắm được lý do tại sao nhà mình mất nước và có thể tự đưa ra giải pháp hợp lý nhất cho mình nhé, cảm ơn anh em đã đọc bài của tôi giữa hàng ngàn bài viết ngoài kia 😀
Nếu gặp hiện tượng bơm 5 phút lại hết nước, không có nước lên nữa thì anh em thử bít đầu ra nhỏ lại (có thể lắp van vào đầu xả của máy bơm để test) nếu nước ra đều chứng tỏ giếng cạn nước do khô hạn hoặc mạch nước ngầm không cung cấp đủ nước sử dụng. Gặp trường hợp này thì khi mưa xuống sẽ lại bình thường hoặc anh em có thể cân nhắc bơm nước vào sáng sớm hoặc đêm khi không có nhà nào sử dụng nước nữa nhé!
Nếu giếng nhà bạn không lên nước, mỗi lần bơm cứ phải sóc cổ giếng mới bơm được, được 1 lúc lại mất nước thì cũng áp dụng cách trên nhé!
Nếu có vô tình làm tụt ống hút của máy bơm xuống giếng thì có thể làm theo video dưới đây để khắc phục.
Chúc anh em thành công!